Huyện Hoài Ðức, Hà Nội có 12 làng nghề được thành phố công nhận làng nghề truyền thống. Nước thải từ nhiều làng nghề đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong khi các dự án xử lý nước thải tại địa phương lại triển khai chậm tiến độ. Cùng chung hoàn cảnh với nhiều xã khác của huyện, Minh Khai là một trong những xã có làng nghề chế biến nông sản truyền thống nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung và chưa được quy hoạch làng nghề. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và cuộc sống của người dân.
Vào những ngày cao điểm tập trung sản xuất cuối năm ở xã Minh Khai, những phên miến, bánh phở, bún khô phơi ở khắp cánh đồng trong xã mà không hề che chắn. Hàng trăm phên phơi ngoài đồng khiến cánh đồng vốn là nơi có màu xanh rì của lúa bỗng hóa màu trắng xóa. Không khí trong khắp xã nồng nặc mùi chua nồng đặc trưng.
“Quanh năm suốt tháng chúng tôi phải sống trong bầu không khí có mùi chua của miến, bún… Vẫn biết là mùi này không nhiều thì ít cũng ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng những người nông dân bám ruộng, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương như chúng tôi đâu còn cách nào khác ngoài chấp nhận!” – bà Nguyễn Thị Mai, một người dân trong xã than phiền.
Theo ông Nguyễn Văn M. – sống ở xã Minh Khai, thời gian gần đây, nhiều hộ làm nghề phơi các phên miến, bún ở ngoài cánh đồng nhưng vì là làng nghề và phơi với số lượng lớn nên mùi chua vẫn thoang thoảng khắp đường làng, ngõ xóm. Ông M. cũng như rất nhiều người dân khác mong muốn làng nghề sớm có hệ thống xử lý nước thải và sớm được quy hoạch vào CCN làng nghề.
Mong sớm triển khai CCN làng nghề Dương Liễu
Trao đổi với PV, bà Đỗ Thị Nhiên – Phó Chủ tịch UBND xã Minh Khai cho biết: Hiện trên toàn xã Minh Khai có hơn 40 hộ sản xuất miến, mỗi hộ thuê khoảng 3 -4 công nhân tráng bánh và tiêu thụ khoảng 1 tấn bột miến một ngày. Ngoài ra còn 180 hộ làm bún và phở khô, mỗi hộ sản xuất khoảng vài tạ gạo một ngày; và hơn 20 hộ làm bánh kẹo.
Về mức độ ô nhiễm, theo bà Đỗ Thị Nhiên, 10 năm trước, ô nhiễm môi trường quá nặng vì có các hộ chế biến tinh bột, dong, sắn, không chỉ gây ô nhiễm trong xã mà còn ảnh hưởng đến nhiều xã khác của huyện Hoài Đức. Tuy nhiên, nhờ công tác quản lý, tuyên truyền, vận động thường xuyên của UBND xã Minh Khai nên khoảng 5 năm nay không còn các hộ sản xuất, chế biến củ sắn, củ dong, nhờ đó ô nhiễm cũng đã giảm thiểu hơn.
Về hệ thống xử lý nước thải, bà Đỗ Thị Nhiên cho biết: “UBND huyện Hoài Đức và UBND xã Minh Khai luôn quan tâm đến hệ thống rãnh tiêu thoát nước, xây dựng kênh tiêu nước thải. Nếu 3 năm về trước có mưa to sẽ gây ngập úng trong khu dân cư nhưng giờ đây không ngập nữa bất kể mưa nhỏ hay mưa to và kể cả ở khu đồng bãi”.
Cụ thể, theo bà Đỗ Thị Nhiên, UBND xã đã đề nghị huyện cho làm rãnh tiêu thoát nước trong khu dân cư; đề xuất của xã đã được huyện phê duyệt và hiện đang trong quá trình bắt đầu khảo sát.
“Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà được xây dựng đã góp phần xử lý nước thải trong khu dân cư. Sắp tới nước thải sẽ được chuyển hết về cầu Ngà để xử lý đến rãnh tiêu thoát nước. Hiện nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà đang xây dựng giai đoạn 2 ở xã Dương Liễu, dự kiến tháng tới sẽ triển khai ở xã Minh Khai và năm 2019 sẽ hoàn thiện” – bà Đỗ Thị Nhiên cho biết.
Về việc quy hoạch cụm công nghiệp (CCN) làng nghề, bà Đỗ Thị Nhiên cho biết: UBND xã Minh Khai đã đề nghị khu sản xuất CCN làng nghề lâu rồi, được huyện mở rộng CCN làng nghề Dương Liễu cho Minh Khai nhưng chưa được triển khai. Do đó, xã mong muốn sớm triển khai CCN làng nghề Dương Liễu, nhằm giúp sản xuất làng nghề tập trung, tránh ô nhiễm và phòng chống cháy nổ.