Sau khi báo điện tử Dân trí đăng tải bài viết “Trang trại lợn công nghệ cao “bức tử” môi trường, dân yêu cầu dừng hoạt động”. Ngày 15/4, PV Dân trí đã trao đổi nhanh với ông Đậu Phi Châu – Chủ tịch UBND Tân Sơn và được ông Châu cho biết, đã lập đoàn kiểm tra, báo cáo lên huyện.
Lập đoàn kiểm tra báo cáo cấp trên – Trả lời của ông Đậu Phi Châu – Chủ tịch UBND xã Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An với PV Dân trí về sự việc “Trang trại lợn công nghệ cao “bức tử” môi trường, dân yêu cầu dừng hoạt động”.
“Sau khi Báo Dân trí đăng tải bài viết phản ánh về tình trạng trang trại chăn nuôi lợn sinh sản công nghệ cao của Công ty TNHH đầu tư và Xây dựng thương mại Đức Minh gây ô nhiễm, thì đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu đã lên kiểm tra rồi. Về phía xã chúng tôi đã hai lần vào kiểm tra, một lần trước khi bài báo đăng và một lần mới đây khi bài báo Dân trí đăng tải thì Ban vệ sinh môi trường của xã lập đoàn vào kiểm tra, có báo cáo với huyện (lên UBND huyện Quỳnh Lưu)”, ông Đậu Phi Châu cho biết.
Cũng theo ông Đậu Phi Châu, sau khi báo Dân trí đăng tải bài viết, đích thân ông cùng một số cán bộ của xã đã gặp kỹ sư trang trại chăn nuôi lợn sinh sản công nghệ cao của công ty TNHH đầu tư và Xây dựng thương mại Đức Minh để xác minh làm rõ.
Ông Châu nói thêm: “Chúng tôi đã gặp và mời cô kỹ sư chăn nuôi phụ trách trại lợn này đi khảo sát, chụp ảnh và làm văn bản với nhau. Đây cũng là mục tiêu của tỉnh, là mô hình kinh tế mà Nhà nước mình đang kêu gọi. Và mong muốn của địa phương cũng như toàn dân heo thì vẫn nuôi kinh tế vẫn phát triển nhưng môi trường vẫn tốt là được. Sau đó tôi cũng đã điện thoại trực tiếp cho tổng giám đốc của trại lợn này rồi và nói rõ quan điểm: Dù tỉnh cho phép, nhưng phía các ông (trang trại lợn) làm sao thì làm, nhưng làm ảnh hưởng đến môi trường dân không đồng ý thì mọi chuyện sẽ về số mo thôi”.
Như Dân trí đã thông tin: Thời gian gần đây người dân xóm 8, xã Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An phản ánh trang trại chăn nuôi lợn sinh sản công nghệ cao của công ty TNHH đầu tư và Xây dựng thương mại Đức Minh “bất ngờ” gây ô nhiễm môi trường khiến họ ăn ngủ, sinh hoạt dường như bị đảo lộn.
Ghi nhận thực tế của PV Dân trí là có cơ sở. Cụ thể bao quanh trang trại lợn này là bức tường bằng gạch táp -lô dài hàng trăm mét có độ cao xấp xỉ 2 – 2,5m ngăn cách trại lợn với vùng đất xung quanh. Đi qua vùng trồng keo của người dân, men theo bức tường, chúng tôi tiếp cận điểm nước thải rỉ ra từ trại lợn.
Đây là vị trí mà bức tường vẫn liền mạch nhưng ở phần móng thì không bị xây bít lại. Một khoảng hở với chiều rộng khoảng 3m, cao 1m được rào lại bằng lưới thép. Phía bên trong cỏ dại mọc um tùm, dòng nước thải chăn nuôi lợn từ khu đất của trại lợn rỉ ra qua tấm lưới thép, chảy vào con đập nhỏ bên cạnh vùng trồng keo.
Con đập nhỏ cạnh trại lợn thuộc vùng đất trồng keo của gia đình bà Nguyễn Thị Hạnh, đập rộng hàng trăm m2 được phủ lên một lớp bèo tấm màu xanh nhạt. Chỗ nào không có bèo, bằng mắt thường cũng nhận thấy màu nước thải đen sì, bọt nước sủi tăm nổi lấm tấm.
Theo lời người dẫn đường, nước từ đập nước nhỏ của bà Hạnh chảy qua đoạn cống nhỏ đặt dưới đường đi, từ đó dòng nước này chảy xuôi, theo con nước đi qua nhiều vùng của xã Tân Sơn rồi đổ vào đập nước 3/2. Đập nước 3/2 là đập lớn, đây là nguồn nước người dân thường dùng để tưới tiêu, sinh hoạt.
Cách đây không lâu, người dân xã Tân Sơn bỗng thấy màu nước thải ở trong trại lợn chảy ra đen đặc, sủi bọt, bốc mùi. Rồi thấy công nhân trại lợn lắp máy bơm lấy nước từ ao nước của một gia đình ở sát trại, bơm vào pha loãng cho chảy đi theo dòng. Sự việc trên khiến nhiều người dân hồ nghi quá trình hoạt động của trang trại này xuất hiện vấn đề.
Tìm hiểu thực địa, điều khiến người dân sở tại lo lắng là không biết việc cấp phép thiết kế xây dựng cho trang trại chăn nuôi lợn sinh sản công nghệ cao này có tính đến việc diện tích trại lợn ôm luôn dòng chảy tự nhiên trong khuôn viên của nó.
Bởi nguồn nước theo dòng chảy từ đập Hàng Tổng (huyện Yên Thành) lại chảy trong phần đất của trang trại rồi đi ra phía hạ nguồn. Lo lắng của người dân không phải là vô căn cứ bởi sau bức tường của trại chăn nuôi, nơi kề đập nước nhỏ của người dân thì nước trong đập này có màu, mùi của chất thải từ chăn nuôi lợn.
Bà Hồ Thị Xuyên, trú xóm 3, xã Tân Sơn, có vùng trại trồng keo ở xóm 8, sát trang trại lợn, cho biết: “Khi chưa có trang trại lợn chúng tôi đi chăm keo, chăn trâu hay lội ruộng gì cũng rửa ráy tay chân thoải mái. Nhưng từ khi trang trại lợn đi vào hoạt động, thì rửa cái tay cái chân cũng thấy mẩn ngứa, không ai còn dám múc nước lên rửa mặt nữa. Ngay cả con trâu con bò cũng không uống nước này, phải múc từ giếng lên thì mới chịu uống”.
Nhiều người đặt câu hỏi, nếu trang trại chăn nuôi đúng theo quy mô đàn lợn tối đa, thì không biết ảnh hưởng của nó sẽ đến mức độ nào? Câu hỏi này của người dân chúng tôi xin được gửi đến lãnh đạo tỉnh Nghệ An xem xét.
Được biết, trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao này do công ty TNHH đầu tư và Xây dựng thương mại Đức Minh trụ sở chính ở tỉnh Bình Dương. Tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích hơn 20 ha, dự án có quy mô nuôi hơn 1400 con lợn giống, mỗi năm sẽ cung cấp ra thị trường 6.000 con lợn. Công nghệ nuôi được công bố là toàn bộ phân chuồng sau khi được xử lý sẽ hút ra ngoài cho vào máy ép thành phân khô.