Thời gian gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đã tập trung nguồn lực quản lý, kiểm soát chặt chẽ loại hình nước thải công nghiệp, đặc biệt là nước thải phát sinh từ các Khu công nghiệp (KCN).
 
    Hiện nay, cả nước có 251 KCN đã đi vào hoạt động có phát sinh chất thải (không tăng so với năm 2017). Hoạt động kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các KCN đã có chuyển biến tích cực. Trên phạm vi cả nước, đã có 221/251 KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đạt khoảng 88% (tăng 8% so với năm 2017), trong đó các địa phương có số lượng KCN lớn như TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Quảng Ninh, Bắc Ninh… tỷ lệ này đều đạt 100%. Đã có 121/251 KCN lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục đạt tỷ lệ trên 42%.
 
xu-ly-nuoc-thai-cong-nghiep
    Nhìn chung, nhiều địa phương đã chú trọng lựa chọn, thu hút các dự án công nghệ cao, dự án có tỷ lệ đầu tư về môi trường lớn, một số địa phương đã bước đầu thực hiện việc phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường trong quá trình thu hút đầu tư thông qua việc lựa chọn những ngành nghề, dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch. Đối với các cơ sở sản xuất, nhà máy riêng lẻ, hầu hết đã và đang được kiểm soát chặt chẽ việc xả nước thải vào nguồn nước thông qua việc quản lý, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.
 
    Tuy nhiên, một thực tế thấy rằng, hiện nay còn chưa kiểm soát được đầy đủ, triệt để các hoạt động gây phát sinh ô nhiễm các dòng sông từ nước thải sinh hoạt, nước thải từ các làng nghề và ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.