Đi bơi là thú vui của nhiều người. Nhưng nếu không cẩn thận, bạn có thể bị khô da, đổi màu tóc và theo một nghiên cứu mới nhất, là mất men răng. Các nha sĩ từ lâu đã biết rằng nước hồ bơi có thể phá hủy men răng, nếu không được xử lý hợp lý.
Từ năm 1986, một khảo sát công bố trên tạp chí Bệnh dịch học Mỹ đã tìm thấy 39% trong số trên 747 vận động viên bơi lội bị hỏng men răng. Trong một báo cáo gần đây, các nha sĩ Đại học New York đã phân tích trường hợp của một người đàn ông 52 tuổi, phàn nàn rằng răng nhạy cảm, xỉn màu và mất men nhanh chóng, chỉ trong vòng 5 tháng qua.
Lý giải logic duy nhất cho những thay đổi đột ngột này, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng đó là vì ông mới đi bơi, đều đặn 90 phút mỗi ngày. Sự mất men răng xảy ra khi pH trong nước hồ bơi xuống quá thấp, nghĩa là có tính axit cao. Nếu bạn từng đi bơi và mắt bạn bắt đầu chảy nước hoặc mũi nóng rực khi mới ngửi thấy nước hồ, đó là do pH thấp (chứ không nhất thiết là do quá nhiều chất khử trùng clo). Khi pH quá thấp, nước trở nên có tính ăn mòn và có thể phá hủy các bề mặt như răng, và kích thích da.
Trong nghiên cứu năm 1986, pH của nước hồ được phát hiện chỉ là 3,7, thấp hơn nhiều so với yêu cầu là từ 7,2 đến 7,8. Còn người đàn ông trong nghiên cứu của Trường nha khoa, Đại học New York thừa nhận rằng ông không bao giờ xử lý nước hồ bơi phù hợp, và không biết độ pH của nó.
Một lý do khác cần quan tâm về độ pH không phù hợp của hồ bơi là nó có thể ảnh hưởng đến tác dụng của nước khử trùng clo. Khi pH trở nên quá thấp hoặc quá cao, clo hoặc là bị phân tán quá nhanh hoặc khả năng khử khuẩn của nó giảm xuống. Kết quả là, các vi khuẩn gây bệnh có thể sinh sôi.
Để bảo vệ mình, bạn có thể mua các test thử pH, tối ưu là từ 7,2 đến 7,8. Hãy thử cả ở hồ bơi lẫn các khu nghịch nước của trẻ, chúng cũng cần độ pH tương đương như hồ bơi.